Đêm nhạc "Một thế giới cho tất cả"
Phía sau khát vọng hòa nhập của những người khuyết tật là một khối những trở ngại hình thành từ việc xã hội đang “quên mất” sự hiện diện và những giá trị mà họ có thể mang lại cho cộng đồng. Một bộ phận doanh giới đang cố gắng chung tay xóa những trở ngại đó, dù biết, ước mơ này không hề đơn giản. Đó là điều đọng lại sau chương trình Một thế giới cho tất cả.
Ngày 11/1, gần 300 khán giả đã có mặt tại sân khấu ngoài trời, Trường Âm nhạc PMU, TP.HCM để cùng thưởng thức đêm nhạc Một thế giới cho tất cả. Chương trình là dịp để những người khuyết tật thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (Trung tâm DRD) giao lưu cùng nhóm Doanh nhân hát và khán giả.
Không có sự hiện diện của các ngôi sao, âm nhạc và sự đồng cảm chính là nguyên liệu thu hút khán giả đến với chương trình này. Hà Văn Đông, Hà Chương, Thủy Tiên, Anh Mạnh, nhóm hát DRD lẫn nhóm Doanh nhân hát đều mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời, bởi nhiệt tâm của họ đã đưa giọng hát chạm đến trái tim mỗi người.
Rung cảm trước tài năng, nhưng mỗi bận những ca sĩ khuyết tật tập tễnh từng bước nạng để lên được sân khấu, hay khi cánh tay của Hà Chương chới với tìm điểm tựa dẫn đường... khán giả không khỏi chạnh lòng. Đến với nghệ thuật, họ đã xé bỏ được rào cản mặc cảm bản thân nhưng những rào cản từ cuộc sống lại là điều họ không thể tác động.
Chị Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm DRD cho biết, cũng như thế giới, tỉ lệ người khuyết tật ở Việt Nam chiếm khoảng hơn 6% dân số, tương đương với hơn 5 triệu người. Tuy nhiên, thiệt thòi hơn các nước đang phát triển khác, người khuyết tật Việt Nam không được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội.
Đơn cử như việc di chuyển vào các tòa nhà, khu công sở, khu vui chơi... đều thiếu những đường dẫn cho xe lăn, khiến những người khuyết tật không thể nào tiếp cận được những khu vực này.
“Tôi từng nghe chuyện một em nữ sinh khuyết tật học rất giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học vì lớp học của em nằm trên tầng 3 của trường nhưng không có hỗ trợ nào cho người khuyết tật di chuyển”- chị Yến tâm sự. Vì điều này mà cùng với các doanh nhân, DRD đang hết lòng kêu gọi các công sở, trường học... mở đường cho người khuyết tật có thể tham gia làm việc, học tập...
Đồng quan điểm, ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại TTT, cho biết, thời gian trước, Việt Nam hoàn toàn không nhớ đến sự hiện diện của người khuyết tật. Để xây toilet cho người khuyết tật ở đơn vị mình, ông Thông phải ra nước ngoài, tìm và đo đạc các kích thước rồi về ứng dụng.
“Chúng tôi đang triển khai thông điệp “Một đồng cho người khuyết tật” nhằm góp lên tiếng nói, kêu gọi cộng đồng góp sức mình để giúp người khuyết tật nhưng việc giúp đỡ này không phải là một hay nhiều bữa ăn mà là giúp họ hòa nhập xã hội. Nếu không, khả năng của họ sẽ tiếp tục bị xã hội lãng phí” - ông Thông nói vậy.
Trước mắt, người khuyết tật đang cần một nhà văn hóa đặc trưng, với những điều kiện thuận lợi để họ có nơi sinh hoạt. Nhu cầu lẫn ước mơ dẫu biết là rất lớn nhưng hy vọng, với sự chung tay của xã hội, “Một đồng cho người khuyết tật” sẽ không phải là chuyện quá khó...
QUÝ YÊN
Đêm nhạc "Một thế giới cho tất cả"
Phía sau khát vọng hòa nhập của những người khuyết tật là một khối những trở ngại hình thành từ việc xã hội đang “quên mất” sự hiện diện và những giá trị mà họ có thể mang lại cho cộng đồng. Một bộ phận doanh giới đang cố gắng chung tay xóa những trở ngại đó, dù biết, ước mơ này không hề đơn giản. Đó là điều đọng lại sau chương trình Một thế giới cho tất cả.
Ngày 11/1, gần 300 khán giả đã có mặt tại sân khấu ngoài trời, Trường Âm nhạc PMU, TP.HCM để cùng thưởng thức đêm nhạc Một thế giới cho tất cả. Chương trình là dịp để những người khuyết tật thuộc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (Trung tâm DRD) giao lưu cùng nhóm Doanh nhân hát và khán giả.
Không có sự hiện diện của các ngôi sao, âm nhạc và sự đồng cảm chính là nguyên liệu thu hút khán giả đến với chương trình này. Hà Văn Đông, Hà Chương, Thủy Tiên, Anh Mạnh, nhóm hát DRD lẫn nhóm Doanh nhân hát đều mang đến cho khán giả những trải nghiệm âm nhạc tuyệt vời, bởi nhiệt tâm của họ đã đưa giọng hát chạm đến trái tim mỗi người.
Rung cảm trước tài năng, nhưng mỗi bận những ca sĩ khuyết tật tập tễnh từng bước nạng để lên được sân khấu, hay khi cánh tay của Hà Chương chới với tìm điểm tựa dẫn đường... khán giả không khỏi chạnh lòng. Đến với nghệ thuật, họ đã xé bỏ được rào cản mặc cảm bản thân nhưng những rào cản từ cuộc sống lại là điều họ không thể tác động.
Chị Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm DRD cho biết, cũng như thế giới, tỉ lệ người khuyết tật ở Việt Nam chiếm khoảng hơn 6% dân số, tương đương với hơn 5 triệu người. Tuy nhiên, thiệt thòi hơn các nước đang phát triển khác, người khuyết tật Việt Nam không được tạo điều kiện để tham gia các hoạt động xã hội.
Đơn cử như việc di chuyển vào các tòa nhà, khu công sở, khu vui chơi... đều thiếu những đường dẫn cho xe lăn, khiến những người khuyết tật không thể nào tiếp cận được những khu vực này.
“Tôi từng nghe chuyện một em nữ sinh khuyết tật học rất giỏi nhưng có nguy cơ phải bỏ học vì lớp học của em nằm trên tầng 3 của trường nhưng không có hỗ trợ nào cho người khuyết tật di chuyển”- chị Yến tâm sự. Vì điều này mà cùng với các doanh nhân, DRD đang hết lòng kêu gọi các công sở, trường học... mở đường cho người khuyết tật có thể tham gia làm việc, học tập...
Đồng quan điểm, ông Lê Bá Thông, Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Thương mại TTT, cho biết, thời gian trước, Việt Nam hoàn toàn không nhớ đến sự hiện diện của người khuyết tật. Để xây toilet cho người khuyết tật ở đơn vị mình, ông Thông phải ra nước ngoài, tìm và đo đạc các kích thước rồi về ứng dụng.
“Chúng tôi đang triển khai thông điệp “Một đồng cho người khuyết tật” nhằm góp lên tiếng nói, kêu gọi cộng đồng góp sức mình để giúp người khuyết tật nhưng việc giúp đỡ này không phải là một hay nhiều bữa ăn mà là giúp họ hòa nhập xã hội. Nếu không, khả năng của họ sẽ tiếp tục bị xã hội lãng phí” - ông Thông nói vậy.
Trước mắt, người khuyết tật đang cần một nhà văn hóa đặc trưng, với những điều kiện thuận lợi để họ có nơi sinh hoạt. Nhu cầu lẫn ước mơ dẫu biết là rất lớn nhưng hy vọng, với sự chung tay của xã hội, “Một đồng cho người khuyết tật” sẽ không phải là chuyện quá khó...
QUÝ YÊN