Vững vàng trên đôi chân khuyết tật
Sau 13 năm rảo đôi chân không vững khắp Sài Gòn kiếm sống với tập vé số trên tay, giờ đây Phạm Như Ý đã có thể tự tin mình không còn là một kẻ chỉ mới học đến lớp 5, mà đã là một chàng trai không sợ khó, quyết học cho mình cái nghề, cùng với một tấm lòng thơm thảo.
“Mình đang học thiết kế đồ họa tại trung tâm của trường đại học Khoa học Tự nhiên. Mình mê nó dữ lắm, và dự định theo nghề này luôn. Thật sự thì nó vượt trình độ của mình, nên mình phải bỏ sức ra học nhiều hơn so với mọi người. Khi thực hiện các thao tác lệnh, mình không biết tiếng Anh nên tập nhớ mặt chữ, gặp từ mới thì hỏi thầy hỏi bạn. Mày mò dữ lắm, nhưng riết rồi quen. Mình nghĩ, trình độ thấp không có nghĩa là không thể học vi tính. Quan trọng thích học thì sẽ học được!”. Như Ý chia sẻ về khao khát được học của mình như vậy.
Ý đã không còn là một chàng trai rụt rè, một lời nói trước đám đông thôi cũng run rẩy, cùng nỗi mặc cảm đeo đẳng vì mình ít học, khuyết tật như ngày xưa nữa.
Sinh năm 1987, quê ở Phú Yên, học đến lớp 5 thì buộc phải nghỉ học vì cha mất sớm, gia đình khó khăn. Cuộc sống cứ vậy lây lất cho đến năm 13 tuổi, Ý quyết định xin mẹ cho theo những người hàng xóm vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Không ít lần bị giật vé, bị đói, buồn tủi, bơ vơ, lạc lõng không có ai bên cạnh,… dần dần Ý cũng có được những khách hàng quen, được yêu mến, bởi sự chân thật và văn minh của mình: không lợi dụng bị khuyết tật mà kì kèo, làm khách khó chịu. Nhưng cuộc sống và con người Ý thì vẫn khép kín trong vòng tròn: bán vé số và về phòng trọ; mặc cảm và cô độc…
Ý chia sẻ: “Mình đánh liều tìm đến DRD khi tình cờ biết thông tin qua báo chí, và vì bị ám ảnh một câu hỏi rất lớn “năng lực của mình là gì?”. Trước kia mình nói chuyện với người lạ thì luôn sợ họ không hiểu ý mình. Thậm chí muốn làm bạn với một người khuyết tật khác, mình cũng ngại, vì mình nghĩ mình không xứng đáng làm bạn với họ”. Nhưng giờ thì Ý thấy ai cũng như ai, đã dám đứng trước đám đông, trước ống kính truyền hình nói chuyện. Ý bảo, đó thật sự là một thay đổi rất lớn trong mình. Không chỉ vậy, bạn còn tìm thấy giá trị của bản thân qua những việc mình làm mỗi ngày: Bỏ bán vé số và hiện là tài xế hỗ trợ người khuyết tật, Ý nhận ra mình còn có thể giúp đỡ người khác nữa. Và việc học của anh chàng nữa, vất vả thật, nhưng “miễn mình đam mê thì sẽ học được!”
Vững vàng trên đôi chân khuyết tật
Sau 13 năm rảo đôi chân không vững khắp Sài Gòn kiếm sống với tập vé số trên tay, giờ đây Phạm Như Ý đã có thể tự tin mình không còn là một kẻ chỉ mới học đến lớp 5, mà đã là một chàng trai không sợ khó, quyết học cho mình cái nghề, cùng với một tấm lòng thơm thảo.
“Mình đang học thiết kế đồ họa tại trung tâm của trường đại học Khoa học Tự nhiên. Mình mê nó dữ lắm, và dự định theo nghề này luôn. Thật sự thì nó vượt trình độ của mình, nên mình phải bỏ sức ra học nhiều hơn so với mọi người. Khi thực hiện các thao tác lệnh, mình không biết tiếng Anh nên tập nhớ mặt chữ, gặp từ mới thì hỏi thầy hỏi bạn. Mày mò dữ lắm, nhưng riết rồi quen. Mình nghĩ, trình độ thấp không có nghĩa là không thể học vi tính. Quan trọng thích học thì sẽ học được!”. Như Ý chia sẻ về khao khát được học của mình như vậy.
Ý đã không còn là một chàng trai rụt rè, một lời nói trước đám đông thôi cũng run rẩy, cùng nỗi mặc cảm đeo đẳng vì mình ít học, khuyết tật như ngày xưa nữa.
Sinh năm 1987, quê ở Phú Yên, học đến lớp 5 thì buộc phải nghỉ học vì cha mất sớm, gia đình khó khăn. Cuộc sống cứ vậy lây lất cho đến năm 13 tuổi, Ý quyết định xin mẹ cho theo những người hàng xóm vào Sài Gòn bán vé số kiếm sống. Không ít lần bị giật vé, bị đói, buồn tủi, bơ vơ, lạc lõng không có ai bên cạnh,… dần dần Ý cũng có được những khách hàng quen, được yêu mến, bởi sự chân thật và văn minh của mình: không lợi dụng bị khuyết tật mà kì kèo, làm khách khó chịu. Nhưng cuộc sống và con người Ý thì vẫn khép kín trong vòng tròn: bán vé số và về phòng trọ; mặc cảm và cô độc…
Ý chia sẻ: “Mình đánh liều tìm đến DRD khi tình cờ biết thông tin qua báo chí, và vì bị ám ảnh một câu hỏi rất lớn “năng lực của mình là gì?”. Trước kia mình nói chuyện với người lạ thì luôn sợ họ không hiểu ý mình. Thậm chí muốn làm bạn với một người khuyết tật khác, mình cũng ngại, vì mình nghĩ mình không xứng đáng làm bạn với họ”. Nhưng giờ thì Ý thấy ai cũng như ai, đã dám đứng trước đám đông, trước ống kính truyền hình nói chuyện. Ý bảo, đó thật sự là một thay đổi rất lớn trong mình. Không chỉ vậy, bạn còn tìm thấy giá trị của bản thân qua những việc mình làm mỗi ngày: Bỏ bán vé số và hiện là tài xế hỗ trợ người khuyết tật, Ý nhận ra mình còn có thể giúp đỡ người khác nữa. Và việc học của anh chàng nữa, vất vả thật, nhưng “miễn mình đam mê thì sẽ học được!”